Bài phỏng vấn ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập công ty Hoa Vĩ (Huawei), đăng trên Nhân Dân Nhật Báo
"ĐẤT NƯỚC CÀNG CỞI MỞ, CHÚNG TA CÀNG TIẾN BỘ"
Tiêu đề trên trích từ bài phỏng vấn ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập công ty Hoa Vĩ (Huawei), đăng trên Nhân Dân Nhật Báo. Bài phỏng vấn rất đáng chú ý, và trong bối cảnh Việt Nam, những ý kiến này có thể là nguồn tham khảo quý giá. Tôi xin lược dịch bài viết.
PV: Đối mặt với các lệnh cấm vận từ bên ngoài, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
Ông Nhậm: Tôi chưa nghĩ nhiều đến việc đó, bởi nghĩ cũng chẳng ích gì. Đừng tập trung vào khó khăn, cứ làm đi, từng bước tiến về phía trước.
PV: “Cảnh báo” của Hoa Kỳ về rủi ro khi sử dụng chip AI Ascend do Hoa Vĩ phát triển sẽ tác động thế nào đến công ty?
Ông Nhậm: Trung Quốc có rất nhiều công ty sản xuất chip, và nhiều doanh nghiệp trong số đó đang phát triển tốt. Hoa Vĩ chỉ là một trong số đó. Hoa Kỳ đã phóng đại thành tựu của chúng tôi. Thực tế, Hoa Vĩ chưa xuất sắc như họ nói. Chúng tôi cần nỗ lực hơn để xứng đáng với những lời đó. Chip đơn lẻ của chúng tôi vẫn tụt hậu so với Hoa Kỳ một thế hệ. Chúng tôi sử dụng toán học để bù đắp cho hạn chế vật lý, phương pháp non-Moore để bổ sung cho Moore, và tính toán nhóm để khắc phục nhược điểm của chip đơn. Nhờ đó, chúng tôi vẫn đạt được kết quả như mong muốn trong thực tế.
PV: Nếu có khó khăn, thì khó khăn lớn nhất là gì?
Ông Nhậm: Cuộc sống luôn đầy khó khăn, ai mà chẳng gặp trở ngại? Thời nông dân đốt nương rẫy hay thời kỳ đồ đá sử dụng công cụ đá, chẳng phải cũng đầy thách thức sao? Làm sao họ có thể tưởng tượng đến những thứ như đường sắt cao tốc? Trung Quốc có cơ hội lớn trong lĩnh vực chip cấp thấp và trung bình. Hàng chục, thậm chí hàng trăm công ty sản xuất chip tại Trung Quốc đang nỗ lực hết mình. Với chip silicon, chúng tôi dùng toán học để bổ sung cho vật lý, non-Moore để hỗ trợ Moore, và áp dụng nguyên tắc điện toán đám mây để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Phần mềm không phải là rào cản, chúng tôi không gặp bất kỳ trở ngại nào về phần mềm. Khó khăn lớn nhất, nếu có, nằm ở giáo dục và đào tạo nhân tài. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hệ điều hành (OS) hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và y tế.
PV: Hiện nay, nhiều người ca ngợi Hoa Vĩ và công nhận những thành tựu mà công ty đạt được.
Ông Nhậm: Lời khen ngợi cũng tạo áp lực lớn cho chúng tôi. Nếu bị chỉ trích một chút, chúng tôi sẽ tỉnh táo hơn. Chúng tôi sản xuất sản phẩm, và người dùng sẽ phê bình khi sử dụng. Điều đó là bình thường. Chúng tôi chấp nhận chỉ trích, miễn là chúng dựa trên sự thật. Chúng tôi ủng hộ những ý kiến chân thành, dù là lời phê bình. Đừng quá bận tâm đến khen ngợi hay chỉ trích, mà hãy tập trung vào việc làm tốt công việc của mình. Nếu bạn làm tốt, sẽ chẳng có vấn đề gì.
PV: Qua cách ông đối mặt với khó khăn và chỉ trích, tôi nhận thấy ông có một trái tim mạnh mẽ. Ông không quan tâm đến lời khen hay chê, mà kiên định theo con đường của mình. Đây hẳn là lý do quan trọng giúp Hoa Vĩ đạt được vị trí như hôm nay.
Ông Nhậm: Vẫn còn quá nhiều người nói rằng chúng tôi giỏi. Nhưng mọi người nên hiểu rõ hơn về những nhà nghiên cứu lý thuyết. Họ thường làm việc ở tầm cao mà ít người hiểu được. Đôi khi, phải mất hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ, để thấy được giá trị đóng góp của họ. Việc xem nhẹ hay coi thường họ không có lợi cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Chúng ta cần hiểu và ủng hộ nghiên cứu lý thuyết, thấu hiểu tâm trí của họ. Sự mơ hồ vĩ đại của họ chính là hy vọng của đất nước. Đừng chỉ ca ngợi một nhóm người này mà xem nhẹ nhóm người kia. Nghiên cứu lý thuyết là nền tảng cho tương lai của đất nước.
PV: Ông nghĩ gì về nghiên cứu lý thuyết cơ bản?
Ông Nhậm: Khi Trung Quốc đạt được một nền kinh tế đủ mạnh, chúng ta cần chú trọng vào nghiên cứu lý thuyết, đặc biệt là lý thuyết cơ bản. Nghiên cứu cơ bản đòi hỏi thời gian dài, thường từ 10 đến 20 năm, thậm chí lâu hơn. Nếu không đầu tư vào nghiên cứu cơ bản, chúng ta sẽ thiếu đi cội rễ. Dù cây có xanh tươi, nó cũng sẽ đổ khi gió lớn. Mua sản phẩm nước ngoài rất tốn kém, vì giá cả đã bao gồm chi phí nghiên cứu cơ bản của họ. Vì vậy, dù có nghiên cứu cơ bản hay không, Trung Quốc vẫn phải trả giá. Nếu tự đầu tư, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều.
PV: Nhiều kết quả nghiên cứu lý thuyết có vẻ không mang lại giá trị ngay lập tức, nhưng lại rất hữu ích trong tương lai. Ông nghĩ sao?
Ông Nhậm: Các nhà khoa học lý thuyết thường rất cô đơn. Chúng ta cần kiên nhẫn chiến lược và thấu hiểu họ. Nghiên cứu Artemisinin trị sốt rét của bà Đồ U U là một ví dụ, hay công trình của ông Hoàng Đại Niên, người “khám phá sự đổi mới và phục vụ đất nước một cách chân thành”, cũng vậy. Chỉ một số ít người trên thế giới có thể giao tiếp bằng các ký hiệu, công thức và suy nghĩ trong đầu họ. Chúng ta phải tôn trọng các nhà khoa học lý thuyết, dù không hiểu hết văn hóa của họ. Xã hội cần khoan dung, và đất nước cần ủng hộ họ.
PV: Nghiên cứu cơ bản thường kéo dài, trong khi doanh nghiệp cần tập trung vào hiệu quả trước mắt. Hoa Vĩ giải quyết mâu thuẫn này thế nào?
Ông Nhậm: Mỗi năm, chúng tôi đầu tư 180 tỷ nhân dân tệ vào nghiên cứu và phát triển (R&D), trong đó khoảng 60 tỷ dành cho nghiên cứu lý thuyết cơ bản, không mang lại lợi nhuận tức thì. 120 tỷ còn lại được đầu tư vào phát triển sản phẩm, và khoản này phải sinh lời. Không có lý thuyết, sẽ không có đột phá, và chúng tôi sẽ không thể bắt kịp Hoa Kỳ.
PV: Đây là một chiến lược dài hạn. Tôi nghe nói Hoa Vĩ có một quán trà trực tuyến mang tên “Hoàng Đại Niên”. Điều này có ý nghĩa gì?
Ông Nhậm: Hoàng Đại Niên là một nhà khoa học vĩ đại. Trung Quốc phát hiện tài năng của ông trong Chiến tranh Vùng Vịnh. Quân đội Hoa Kỳ từng sử dụng một thiết bị hình cầu gắn dưới trực thăng để phát hiện vũ khí của Saddam Hussein chôn trong sa mạc. Thiết bị này do ông Hoàng Đại Niên phát triển khi làm việc tại một trường đại học ở Anh, và được NATO sử dụng. Sau đó, ông từ chức, trở về Trung Quốc và giảng dạy tại Đại học Cát Lâm. Ông dùng tiền cá nhân để xin trường một không gian 40 mét vuông, mở một quán trà cung cấp cà phê miễn phí, với thông điệp “một tách cà phê hấp thụ năng lượng vũ trụ”. Với sự cho phép của gia đình ông, chúng tôi đã tạo một nền tảng trực tuyến phi lợi nhuận mang tên “Trà quán Hoàng Đại Niên”, cho phép mọi người truy cập miễn phí thông tin khoa học và công nghệ toàn cầu. Đồng thời, chúng tôi hỗ trợ nghiên cứu cơ bản và hợp tác với các trường đại học lớn. Đây là những khoản đầu tư chiến lược. Về nghiên cứu lý thuyết cơ bản, chúng tôi không đặt ra yêu cầu cụ thể nào cho các nhà khoa học và cũng không biết khi nào sẽ đạt kết quả.
PV: Nhà kinh tế học người Mỹ Richard Wolf và các chuyên gia khác cho rằng lý do Hoa Kỳ không có hệ thống đường sắt cao tốc phát triển như Trung Quốc là vì Hoa Kỳ theo chủ nghĩa tư bản, tập trung kiếm lợi nhuận. Trong khi đó, Trung Quốc đi theo chủ nghĩa xã hội, ưu tiên phúc lợi xã hội. Đường sắt cao tốc, đường sắt hạng nặng, lưới điện tiên tiến, đường cao tốc, đường bê tông đến các làng mạc, cơ sở thủy lợi và nhà máy điện khắp nơi… không trực tiếp mang lại lợi nhuận, nhưng đã đặt nền tảng cho sự phát triển xã hội, hiện đại hóa công nghiệp và nông nghiệp, thể hiện giá trị xã hội của các doanh nghiệp nhà nước. Hàng hóa lưu thông, thương mại phát triển, người dân mua bán và đóng thuế theo luật. Ông nghĩ gì về điều này?
Ông Nhậm: Chủ nghĩa xã hội là mô hình duy nhất dám đầu tư vào những thứ không mang lại lợi nhuận tức thì. Một trong những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là phát triển xã hội. Hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mà Trung Quốc xây dựng là một kỳ tích lớn. Về cơ sở hạ tầng, chúng ta chỉ có thể thành công nhờ con đường này. Nếu không, những dự án như đường sắt cao tốc, đường cao tốc hay thủy điện sẽ không thể thực hiện.
PV: Ông nghĩ gì về triển vọng của trí tuệ nhân tạo (AI)?
Ông Nhậm: Trí tuệ nhân tạo có thể là cuộc cách mạng công nghệ cuối cùng của nhân loại, bên cạnh khả năng phát triển năng lượng hạt nhân tổng hợp. Sự phát triển của AI sẽ kéo dài hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ. Đừng lo lắng, Trung Quốc có nhiều lợi thế trong lĩnh vực này.
PV: Những lợi thế đó là gì?
Ông Nhậm: Trung Quốc có hàng trăm triệu thanh niên, là tương lai của đất nước. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh rằng sự thịnh vượng của một quốc gia luôn gắn liền với sự phát triển văn hóa. Chìa khóa của AI nằm ở nguồn điện dồi dào và mạng lưới thông tin phát triển. Trung Quốc có hệ thống sản xuất và truyền tải điện tiên tiến, cùng mạng lưới thông tin liên lạc thuộc hàng phát triển nhất thế giới.
PV: Còn những lợi thế nào khác?
Ông Nhậm: Về chip, chúng ta không cần quá lo lắng. Các phương pháp như chồng lớp và cụm hóa có thể mang lại kết quả tương đương với công nghệ tiên tiến nhất. Về phần mềm, trong tương lai, hàng trăm phần mềm mã nguồn mở sẽ đáp ứng nhu cầu của toàn xã hội.
PV: Ông nghĩ gì về tương lai của Trung Quốc?
Ông Nhậm: Friedman, sau khi rời Hoa Vĩ, đã mua vé tàu cao tốc hạng hai để trải nghiệm Trung Quốc. Ông ấy viết một bài báo với tiêu đề: “Tôi đã thấy tương lai, không phải ở Hoa Kỳ”.
PV: Chúng tôi đã đọc bài báo đó. Ông ấy cho rằng “ngành sản xuất của Trung Quốc mạnh mẽ như ngày nay không chỉ nhờ chất lượng cao và chi phí thấp, mà còn vì khả năng sản xuất nhanh hơn, tốt hơn, thông minh hơn, và ngày càng tích hợp trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm”. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Ông Nhậm: Thuật toán không chỉ nằm trong tay những người làm công nghệ thông tin, mà còn thuộc về các chuyên gia trong các lĩnh vực cụ thể như điện, cơ sở hạ tầng, khai mỏ, y tế và nhiều ngành khác. Ngành sản xuất của Trung Quốc đang ứng dụng AI rất nhanh chóng, và nhiều mô hình AI của Trung Quốc sẽ sớm ra đời.
PV: Nhà nước cần hỗ trợ gì để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân?
Ông Nhậm: Nhà nước cần hợp pháp hóa và thị trường hóa, quản lý theo luật pháp và quy định. Doanh nghiệp tư nhân nên tập trung tạo ra giá trị, đột phá công nghệ, tuân thủ pháp luật và nộp thuế đầy đủ. Mô hình phát triển hài hòa này sẽ khơi dậy sức sống kinh tế từng chút một, lan tỏa khắp mọi nơi.
PV: Ông nhìn nhận thế nào về sự cởi mở và phát triển của Trung Quốc?
Ông Nhậm: Đất nước càng ngày càng cởi mở, và sự cởi mở sẽ thúc đẩy chúng ta tiến bộ hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước thống nhất trong quản lý, các chính sách dễ dàng được thực thi. Một thị trường lớn thống nhất đang dần hình thành, chắc chắn sẽ phá bỏ mọi rào cản và đưa Trung Quốc đến sự phục hưng vĩ đại.