TRADE WAR (P1): TRẬT TỰ CŨ
Thế giới hậu Thế chiến II chứng kiến sự trỗi dậy và thống trị gần như tuyệt đối của Hoa Kỳ. Với nền công nghiệp không bị chiến tranh tàn phá và hệ thống Bretton Woods biến USD thành đồng tiền vua, Mỹ đã định hình trật tự kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, trật tự này không đứng yên.
Nhật Bản, với sự phục hồi thần kỳ, đã vươn lên mạnh mẽ trong những năm 80, có lúc chiếm tới gần 18% GDP toàn cầu (1995), trước khi rơi vào "thập kỷ mất mát" kéo dài. Liên minh Châu Âu (EU), qua quá trình hội nhập, cũng tạo ra một đối trọng đáng kể, đạt đỉnh điểm ngang bằng Mỹ về tỷ trọng GDP vào năm 2008 (khoảng 25.4%) nhưng sau đó suy yếu tương đối do khủng hoảng nợ công. Ngay cả nước Mỹ cũng trải qua những cú sốc như bong bóng Dot-com và đặc biệt là Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu 2008 (GFC), làm lung lay niềm tin vào sự ổn định của chính hệ thống do mình dẫn dắt.
Và giữa những biến động đó, một thế lực mới đã trỗi dậy mạnh mẽ và bền bỉ: Trung Quốc. Từ một nền kinh tế chỉ chiếm 2.7% GDP toàn cầu năm 1980, Trung Quốc đã bứt phá ngoạn mục, vượt qua Nhật Bản, EU và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng 17-18% trong những năm gần đây. Sự trỗi dậy này, dù phần nào lấp đầy khoảng trống do sự chững lại của Nhật Bản và EU, đã tạo ra một cục diện địa kinh tế hoàn toàn mới, đặt nền móng cho cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại dưới ảnh hưởng của Covid và khủng hoảng bất động sản, trong khi Mỹ vẫn giữ được vị thế của mình. Trong "Trật tự cũ", Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế số 1 xét về quy mô GDP. Tuy nhiên, vị thế dẫn đầu này lại ẩn chứa một câu chuyện phức tạp hơn nhiều. Để hiểu bản chất cuộc đua Mỹ -Trung, chúng ta cần bóc tách ý nghĩa thực sự của GDP, tại sao người ta thường lấy GDP làm thước đo cho một nền kinh tế và liệu nó có phản ánh chính xác cho vị thế của một quốc gia trong trật tự toàn cầu?
1. GDP cho biết điều gì?
Khi nói về GDP, người ta thường nghĩ ngay đến sản xuất – tổng giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được tạo ra trong một quốc gia. Cách tính này dựa trên giá trị gia tăng. Hãy tưởng tượng một ví dụ cực kỳ đơn giản: một nền kinh tế chỉ sản xuất bánh mì.
Người nông dân trồng lúa mì và bán bột mì cho thợ làm bánh với giá 100 đồng. Giá trị gia tăng của nông dân là 100 đồng.
Thợ làm bánh dùng 100 đồng bột mì đó để làm ra một ổ bánh mì và bán với giá 200 đồng. Giá trị gia tăng của thợ làm bánh là 200 (giá bán) - 100 (chi phí bột mì) = 100 đồng.
GDP theo phương pháp sản xuất (giá trị gia tăng) của nền kinh tế này là tổng giá trị gia tăng: 100 (nông dân) + 100 (thợ làm bánh) = 200 đồng.
Tuy nhiên, GDP còn có thể được nhìn nhận qua lăng kính chi tiêu. Ai là người mua ổ bánh mì trị giá 200 đồng đó?
Tình huống 1: Ổ bánh mì được người tiêu dùng mua hết. Lúc này, Tiêu dùng (C - Consumption) tăng 200 đồng.
Tình huống 2: Ổ bánh mì chưa bán được, nằm trong kho của thợ làm bánh. Lúc này, Đầu tư (I - Investment) tăng 200 đồng do giá trị hàng tồn kho tăng thêm 200 đồng.
Tình huống 3: Ổ bánh mì được chính phủ mua. Lúc này, Chi tiêu Chính phủ (G - Government Spending) tăng 200 đồng.
Tình huống 4: Ổ bánh mì được xuất khẩu. Lúc này, Xuất khẩu ròng (NX - Net Exports) tăng 200 đồng.
Trong mọi tình huống, tổng chi tiêu cho sản phẩm cuối cùng (ổ bánh mì) đều là 200 đồng. Do đó, GDP theo phương pháp chi tiêu cũng là 200 đồng. Công thức tổng quát là GDP=C+I+G+NX. Trong một nền kinh tế đóng và không phân biệt tư nhân và chính phủ, GDP=C+I.
Mọi chuyện không dừng lại ở đây, 1 đồng chi tiêu của người này sẽ tương ứng với 1 đồng thu nhập của người khác. 200 đồng giá trị cuối cùng mà nền kinh tế chi tiêu sẽ trở thành thu nhập của những người tham gia vào quá trình sản xuất:
(1) Trả cho người nông dân bán bột mì 100 đồng.
(2) Trả lương cho nhân công 50 đồng.(3) Trả lãi vay 20 đồng.(4) Trả tiền thuê mặt 10 đồng.(5) Phần còn lại là lợi nhuận của doanh nghiệp (người làm bánh) 20 đồng.
Tổng tất cả các khoản thu nhập này chính bằng tổng giá trị chi tiêu của một quốc gia. Do đó, GDP theo phương pháp thu nhập cũng là 200 đồng.
Như vậy, GDP là giá trị sản xuất của 1 quốc gia, nó bằng với chi tiêu của quốc gia đó nhưng ý nghĩ quan trọng khiến nó thường được sử dụng trong các phương trình kinh tế, đó chính là nó đại dại diện cho thu nhập của 1 quốc gia. Khi GDP tăng, có nghĩa là quốc gia đó đang "kiếm được nhiều tiền hơn".
Khi so sánh GDP của Mỹ lớn hơn Trung Quốc, điều đó đơn giản có nghĩa là tổng thu nhập của người Mỹ (cá nhân và doanh nghiệp trên lãnh thổ Mỹ) trong một năm đang cao hơn Trung Quốc.
2. Tại sao GDP không đại diện cho sự giàu có của 1 quốc gia?Thu nhập cao có phải luôn đồng nghĩa với việc ngày càng giàu có hơn không? Hãy xem xét ví dụ sau:
Người A: Thu nhập hàng năm 100 đồng.
Người B: Thu nhập hàng năm 90 đồng.Nếu chỉ nhìn vào thu nhập, ta có thể vội kết luận A "giàu" hơn hoặc có điều kiện tốt hơn B. Nhưng nếu biết thêm:Người A: Chi tiêu hết 80 đồng mỗi nămNgười B: Chi tiêu chỉ 50 đồng mỗi năm.
Lúc này, câu chuyện hoàn toàn khác. Mặc dù thu nhập thấp hơn, người B lại tiết kiệm được nhiều hơn gấp đôi người A mỗi năm. Điều này có nghĩa là tài sản của B đang tăng lên nhanh hơn đáng kể so với A. Theo thời gian, B hoàn toàn có thể trở nên "giàu có" hơn A, dù thu nhập khởi điểm thấp hơn.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở cấp độ quốc gia. GDP chỉ phản ánh dòng chảy thu nhập trong một kỳ, nó không thể hiện được sự thay đổi trong tài sản ròng hay tốc độ tích lũy sự giàu có của một quốc gia. Yếu tố quan trọng quyết định tốc độ "giàu lên" chính là Tiết kiệm (S) - phần thu nhập còn lại sau khi đã trừ đi tiêu dùng. Công thức đơn giản trong một nền kinh tế đóng là: S (Tiết kiệm) = GDP (Thu nhập) − C (Tiêu dùng)
Một quốc gia có tỷ lệ tiêu dùng cao so với thu nhập sẽ có tỷ lệ tiết kiệm thấp, và ngược lại. Tỷ lệ tiết kiệm cao cho phép quốc gia tích lũy và gia tăng tài sản quốc gia nhanh hơn.
Đây chính là điểm khác biệt cốt lõi khi so sánh Mỹ và Trung Quốc:
Mỹ: Đặc trưng bởi văn hóa tiêu dùng mạnh mẽ. Tỷ trọng tiêu dùng trong GDP chiếm tới 66%, đặc biệt là chi tiêu cho dịch vụ, những thứ thường "biến mất" sau khi sử dụng. Trong khi đó, đầu tư chỉ chiếm khoảng hơn 17% GDP.
Trung Quốc: Nền kinh tế dựa nhiều vào đầu tư với tỷ trọng chiếm đến 42% GDP, trong khi tiêu dùng chỉ chiếm hơn 40%. Phần lớn thu nhập được tạo ra từ quá trình tích luỹ tài sản khổng lồ vào tài sản cố định, hạ tầng, bất động sản, những tài sản có giá trị sử dụng lâu dài và làm tăng năng lực sản xuất cũng như tài sản vật chất của quốc gia.
Mặc dù GDP của Mỹ luôn cao hơn Trung Quốc, nhưng tổng tiết kiệm quốc gia của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ kể từ cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu năm 2008 và khoảng cách ngày càng được nới rộng. Điều này có nghĩa là, xét trên góc độ tốc độ tích lũy tài sản, Trung Quốc đã vượt Mỹ và đang "giàu lên" nhanh hơn trong hơn một thập kỷ qua.
Vậy, "Trật tự cũ" trước khi những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bùng nổ là một trật tự mà:
(1) Mỹ vượt trội về thu nhập: Luôn dẫn đầu thế giới về quy mô GDP danh nghĩa.(2) Trung Quốc vượt trội về tích lũy: Vượt qua Mỹ về tổng tiết kiệm quốc gia kể từ GFC 2008, đồng nghĩa với tốc độ gia tăng tài sản hữu hình nhanh hơn.
Sự phân cực giữa một bên là cỗ máy tiêu dùng khổng lồ, một bên là cỗ máy tiết kiệm và đầu tư khổng lồ chính là một trong những nền tảng quan trọng dẫn đến những mất cân bằng và căng thẳng trong quan hệ kinh tế toàn cầu.
Trong một nền kinh tế đóng, tiết kiệm (S) phải bằng đầu tư (I). Mọi đồng tiết kiệm sẽ được dùng để tài trợ cho đầu tư trong nước. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, nơi vốn và hàng hóa lưu chuyển tự do qua biên giới. Công thức S = I không còn đúng một cách tuyệt đối cho từng quốc gia.
Điều này đặt ra những câu hỏi quan trọng:
(1) Chuyện gì xảy ra nếu một quốc gia như Mỹ đầu tư nhiều hơn số tiền mình tiết kiệm được?(2) Tại sao các quốc gia khác không thể đơn giản sao chép mô hình đầu tư và tiết kiệm cao như Trung Quốc để nhanh chóng giàu lên?
Mối quan hệ phức tạp giữa tiết kiệm, đầu tư, tiêu dùng và dòng chảy vốn quốc tế chính là chìa khóa để hiểu rõ hơn về một vai trò khác giữa Trung Quốc và Mỹ, đó là vai trò giữa chủ nợ và con nợ. Đây sẽ là chủ đề chúng ta khám phá trong bài viết tiếp theo của chuỗi bài này.
TRADE WAR (P2): CON NỢ VÀ CHỦ NỢ
Trong bài viết "Trật tự cũ", chúng ta đã thấy bức tranh tổng thể về các cường quốc kinh tế, nơi Mỹ dẫn đầu về thu nhập (GDP) nhưng Trung Quốc lại vượt trội về tốc độ tích lũy tài sản nhờ tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao. Sự phân cực này đặt ra nhiều câu hỏi về bản chất của sức mạnh kinh tế và động lực thực sự đằng sau các mối quan hệ thương mại. Để đào sâu hơn, trước tiên, chúng ta cần làm sáng tỏ một số hiểu lầm phổ biến xoay quanh chỉ số GDP, đặc biệt là khi áp dụng vào một nền kinh tế mở.
1. Vai trò của nhập khẩu trong GDP và những hiểu lầm phổ biến
Ở bài trước, chúng ta đã hiểu rằng GDP, dù tính theo phương pháp sản xuất, chi tiêu hay thu nhập, đều phản ánh tổng thu nhập của một quốc gia trong một kỳ. Trong một nền kinh tế đóng giả định (không có ngoại thương), tổng thu nhập (GDP) bằng tổng chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước, tức là GDP = C (Tiêu dùng) + I (Đầu tư) + G (Chi tiêu chính phủ).
Tuy nhiên, thực tế là mọi nền kinh tế đều "mở". Hàng hóa sản xuất ra không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu (X). Khi đó, tổng thu nhập quốc gia (GDI), vốn bằng GDP, sẽ được biểu diễn qua phương trình chi tiêu như sau:
GDI = GDP = C + I + G + X
Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao thành tố Nhập khẩu (M) không xuất hiện trong phương trình này. Thực ra, phương trình trên là đầy đủ nếu chúng ta giả định rằng mọi C, I, G và X đều chỉ bao gồm hàng hóa và dịch vụ được sản xuất hoàn toàn trong nước. Nhưng thực tế không phải vậy. Người dân tiêu dùng hàng nhập khẩu, doanh nghiệp đầu tư bằng máy móc nhập khẩu, chính phủ chi tiêu cho hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài, và ngay cả hàng xuất khẩu cũng có thể chứa đựng linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu.
Do đó, việc đưa M vào công thức GDP=C+I+G+X−M thực chất là một thao tác kế toán để loại trừ giá trị của các thành phần nhập khẩu đã nằm sẵn trong C, I, G và X, nhằm đảm bảo GDP chỉ phản ánh đúng giá trị của hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó.
Sự phức tạp này dẫn đến một số hiểu lầm phổ biến khi phân tích GDP:
(1) Không phải cứ C, I, G tăng là GDP sẽ tăng tương ứng trong ngắn hạn. Đây là một sai lầm rất phổ biến mà nhiều người thường mắc phải khi sử dụng những thành tố bên trong để dự phóng GDP. Ví dụ, nếu chính phủ tăng mạnh chi tiêu công (G tăng) cho một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, nhưng phần lớn máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, thì phần giá trị nhập khẩu đó sẽ không đóng góp trực tiếp vào GDP của quốc gia. Tương tự, nếu người tiêu dùng tăng chi tiêu (C tăng) nhưng chủ yếu mua ô tô nhập khẩu, điện thoại nhập khẩu, thì GDP trong nước cũng không hưởng lợi nhiều.
(2) Ngay cả khi C tăng từ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, GDP cũng chưa chắc tăng. Thành phần Đầu tư (I) trong GDP không chỉ bao gồm đầu tư vào tài sản cố định (nhà xưởng, máy móc) mà còn có một hạng mục quan trọng là "Thay đổi hàng tồn kho".Nếu một quốc gia sản xuất ra nhiều hàng hóa nhưng không bán hết, lượng hàng tồn kho tăng lên. Giá trị hàng tồn kho tăng này sẽ được tính vào GDP (I tăng).
Ngược lại, nếu người tiêu dùng tăng mua hàng (C tăng) nhưng doanh nghiệp lại bán hàng từ lượng tồn kho đã sản xuất từ trước, thì C tăng nhưng I sẽ giảm (do hàng tồn kho giảm). Kết quả là GDP có thể không thay đổi, hoặc thay đổi không tương ứng với mức tăng của C. Điều này có nghĩa là nếu một quốc gia sản xuất ồ ạt (GDP tăng do tồn kho tăng) nhưng tiêu thụ không theo kịp, sẽ gây áp lực cho tăng trưởng GDP trong tương lai.
(3) Mức độ ảnh hưởng của Xuất khẩu (X) lên GDP phụ thuộc vào giá trị gia tăng nội địa trong hàng xuất khẩu. Một quốc gia có thể có kim ngạch xuất khẩu rất lớn so với GDP, nhưng nếu phần lớn hàng xuất khẩu đó chỉ là lắp ráp, gia công từ nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu (giá trị gia tăng trong nước thấp), thì đóng góp thực tế của X vào GDP sẽ không lớn như con số kim ngạch thể hiện. Việt Nam là một ví dụ điển hình: tỷ trọng xuất khẩu/GDP thuộc nhóm cao nhất thế giới, nhưng trong nhiều ngành hàng như dệt may, điện tử, chúng ta chủ yếu tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Giá trị gia tăng thực sự nằm ở khâu thiết kế, thương hiệu, R&D và phân phối mà các công ty nước ngoài thường nắm giữ.
(4) Ngược lại, bản thân Nhập khẩu (M) không phải là yếu tố làm giảm GDP. Trong công thức GDP=C+I+G+X−M, dấu trừ trước M thường gây hiểu lầm rằng M càng lớn thì GDP càng nhỏ. Thực tế, M chỉ là một mục điều chỉnh để loại bỏ phần chi tiêu cho hàng nước ngoài đã được tính trong C, I, G (và có thể cả X). Việc tăng hay giảm M trong ngắn hạn không trực tiếp làm thay đổi giá trị sản xuất trong nước (GDP).Tóm lại: Phương trình GDP = C + I + G + (X − M) chỉ là một cách trình bày các thành phần chi tiêu đã được điều chỉnh để phản ánh đúng giá trị hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước. Chúng ta không thể dựa vào sự thay đổi của từng thành phần riêng lẻ (C, I, G, X, M) để ngoại suy ra sự thay đổi của GDP trong ngắn hạn, trừ phi có đầy đủ dữ liệu về tất cả các thành phần của chúng. Tuy nhiên, việc phân tích GDP theo phương pháp chi tiêu lại rất hữu ích để hiểu cơ cấu kinh tế và đưa ra những nhận định chiến lược trong dài hạn.
2. Con nợ và chủ nợ
Trong một nền kinh tế đóng, Tiết kiệm (S) bằng Đầu tư (I). Tốc độ giàu lên của một quốc gia sẽ tỷ lệ thuận với tỷ lệ đầu tư hay một quốc gia có tỷ lệ đầu tư so với tiêu dùng càng lớn thì sẽ càng “giàu nhanh”. Trong một nền kinh tế mở, mối quan hệ này trở nên phức tạp hơn.
Chúng ta có phương trình: GDI = GDP = C + I + G + X − M
Tiết kiệm quốc gia (S) là phần thu nhập còn lại sau khi trừ đi các khoản chi tiêu dùng của tư nhân (C) và chính phủ (G). S = ( C + I + G + X − M) − (C + G) hay S = I + ( X − M), trong đó (X − M) chính là Cán cân thương mại của một quốc gia.
Khi một quốc gia có thặng dư thương mại, quá trình tích lũy tài sản của quốc gia này không chỉ đến từ việc gia tăng tài sản trong nước (I) mà còn đến từ việc gia tăng tài sản nước ngoài ròng (thể hiện qua cán cân thương mại dương). Ngược lại, quốc gia có thâm hụt thương mại tuy gia tăng tài sản trong nước nhưng lại suy giảm tài sản hoặc tăng nợ nước ngoài.
Trong giao dịch thương mại, khi quốc gia A xuất khẩu hàng hóa cho quốc gia B, A sẽ nhận được tiền tệ hoặc các công cụ tài chính tương đương từ B. Số tiền này thể hiện một khoản phải thu của A đối với B và là một nghĩa vụ nợ của B với A. Ví dụ, tiền mặt là nghĩa vụ nợ của Ngân hàng trung ương B với A và tiền gửi là nghĩa vụ nợ của Ngân hàng thương mại B với A. Quốc gia xuất khẩu A trở thành chủ nợ và quốc gia nhập khẩu B trở thành con nợ trong giao dịch đó. Tích lũy thặng dư thương mại qua nhiều năm sẽ khiến quốc gia A trở thành một chủ nợ ròng của thế giới và ngược lại với B.
3. Trật tự thương mại thế giới
Nhìn lại lịch sử thương mại toàn cầu, có thể thấy những thay đổi đáng kể trong vai trò con nợ và chủ nợ của các quốc gia. Trước thập niên 1980, thời kỳ trước khi Trung Quốc thực sự mở cửa và hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, cán cân thương mại của các cường quốc lớn thường diễn ra tương đối cân bằng hơn, không có sự phân cực quá lớn và kéo dài như giai đoạn sau này. Sau thập niên 1980, đặc biệt từ sau khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, trật tự thương mại thế giới dần định hình rõ nét với những xu hướng mất cân bằng lớn:
Mỹ: Liên tục thâm hụt thương mại với quy mô ngày càng lớn, đặc biệt từ những năm 1990. Với mức thâm hụt lên tới -1150 tỷ USD vào năm 2023, Mỹ là quốc gia thâm hụt lớn nhất và trở thành con nợ ròng khổng lồ của thế giới.
Trung Quốc: Từ chỗ có cán cân thương mại tương đối cân bằng hoặc thặng dư nhỏ, Trung Quốc đã trở thành một cỗ máy xuất khẩu siêu hạng, liên tục đạt thặng dư thương mại khổng lồ, đặc biệt sau năm 2001. Với mức thặng dư 823 tỷ USD năm 2023, Trung Quốc là quốc gia thặng dư lớn nhất, tích lũy một lượng lớn tài sản nước ngoài và trở thành một trong những chủ nợ chính của thế giới. Quá trình tích lũy tài sản nhanh chóng của Trung Quốc không chỉ đến từ tỷ lệ đầu tư trong nước (I) cao mà còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thặng dư thương mại.
Đức: Tương tự Trung Quốc ở một quy mô nhỏ hơn, Đức cũng là một quốc gia liên tục thặng dư thương mại, đóng vai trò chủ nợ trong nền kinh tế toàn cầu.
Nhật Bản: Từng là một cường quốc thặng dư thương mại lớn trong nhiều thập kỷ, nhưng những năm gần đây Nhật Bản lại đối mặt với tình trạng thâm hụt thương mại, cho thấy sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế và vị thế quốc tế.
Ấn Độ: Liên tục thâm hụt thương mại, cho thấy Ấn Độ cũng là một quốc gia "vay nợ" để phục vụ nhu cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước.
Như vậy, "Trật tự cũ" đã định hình một cách rõ ràng: Mỹ trở thành con nợ lớn nhất, trong khi Trung Quốc (cùng với một số quốc gia khác như Đức) trở thành những chủ nợ quan trọng. Quá trình tích lũy tài sản vượt trội của Trung Quốc so với Mỹ không chỉ do khác biệt về mô hình tiết kiệm - đầu tư trong nước, mà còn được khuếch đại bởi dòng chảy của thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản là "chủ nợ thì tốt, con nợ thì xấu". Việc Mỹ liên tục thâm hụt thương mại và trở thành con nợ lớn nhất thế giới mang lại những lợi ích nào cho chính nước Mỹ? Tại sao Ấn Độ, dù thâm hụt thương mại lớn và "vay nợ" nhiều, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và năng động?
Những câu hỏi này sẽ được làm sáng tỏ trong bài viết tiếp theo, nơi chúng ta sẽ khám phá sâu hơn về những lợi thế và rủi ro của việc trở thành con nợ lớn nhất thế giới của Mỹ, để từ đó định hình những xu hướng trong “Trật tự mới”.